Friday, May 6, 2016
VÌ SAO LẠI LÀ FORMOSA HÀ TĨNH?
Hôm nay, trên một tờ báo điện tử có một bài phỏng vấn đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó khẳng định Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận sai phạm trong xây dựng đường ống xả thải. Tuy nhiên, như mọi khi, bài báo này nhanh chóng bị gỡ. Trong một diễn biến khác, ngư dân lặn xuống biển khẳng định cá chết xếp lớp dưới đáy biển. Có người lo lắng hệ sinh thái dưới đáy biển bị tiêu diệt.
Tôi không có ý định gắn thảm hoạ cá chết với Formosa Hà Tĩnh, bởi tôi vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố bằng cớ khoa học đủ thuyết phục. Hôm nay tôi chỉ nói về các vấn đề xung quanh việc xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
Formosa Hà Tĩnh là một đại dự án gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm. Theo tính toán của ngành thép, một tấn thép sẽ xả ra 3 m3 nước thải, tức lượng nước thải một ngày của Formosa phải xả ra khoảng 61.600 m3. Thế nhưng, với công suất hệ thống xử lý chỉ 45.000 m3/ngày thì không biết có thể xử lý được hết lượng nước thải của siêu nhà máy này hay không?
Xử lý nước thải hàng ngày cũng ngốn một khoản chi không nhỏ, bên cạnh khoản đầu tư cố định ban đầu. Khi tôi hỏi chi phí xử lý hàng ngày như thế nào, thì lãnh đạo Formosa không trả lời.
Hệ thống xả nước thải và hệ thống thoát nước mưa phải tách bạch hoàn toàn. Tuy nhiên, có thông tin nói rằng hệ thống thoát nước mưa của Formosa có súc rửa và có người nhìn thấy có nước màu trắng đục. Một sự trùng hợp là khi tôi làm việc với Formosa thì cũng có thấy nhà máy này có loại nước thải màu trắng đục.
1. Hệ thống xử lý nước thải của Formosa được giới thiệu là có một trạm quan trắc. Nước thải trước khi đưa ra môi trường sẽ phải đi qua trạm quan trắc này, đạt thì theo đường ống ngầm xả ra biển, không đạt sẽ bị đưa về hệ thống xử lý lại. Trên lý thuyết là như thế. Còn thực tế....
-"Cơ quan nào giám sát hoạt động xả thải của Formosa", tôi hỏi.
-"Có cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm tra, giám sát. Đó là Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Họ kiểm tra định kì ba tháng một lần", ông Hoàng Dật Thuyên, giám đốc môi trường Formosa nói.
-"Tức chỉ giám sát ba tháng một lần và các ngày còn lại không ai giám sát?"
-"Hàng tháng vẫn có kiểm tra đột xuất, 1 tháng/lần hoặc 2 tháng/lần".
-"Công ty có thể cung cấp kết quả kiểm nghiệm hay không?".
-"Cái này cơ quan chức năng Việt Nam có. Bạn đến trung tâm quan trắc sẽ có đầy đủ...".
Tôi tìm đến Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường tỉnh Hà Tĩnh.
-"Trung tâm thực hiện kiểm tra, giám sát xả thải của nhà máy Formosa như thế nào?", tôi hỏi.
-"Chúng tôi thực hiện theo hợp đồng kinh tế, chứ không phải với vai trò của cơ quan chức năng", ông Lê Anh Đức, giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường Hà Tĩnh khẳng định.
-"Nghĩa là đây không phải là kiểm tra giám sát?"
-"Vâng, chúng tôi hoàn toàn không kiểm tra".
-"Theo hợp đồng kinh tế, bao lâu thì lấy mẫu kiểm nghiệm một lần?"
-"Từ tháng 12-2015 đến nay mới lấy mẫu một lần".
-"Tức hoàn toàn không có chuyện đột xuất đến lấy mẫu một tháng/lần?".
-"Vâng, chúng tôi không lấy đột xuất. Đây là hợp đồng kinh tế chỉ lấy định kì theo kế hoạch".
-"Trung tâm có thể cung cấp kết quả kiểm nghiệm nước thải của Formosa không ạ?".
-"Chúng tôi không thể công bố được, như vậy là vi phạm hợp đồng với Formosa".
-"Nhưng kết quả kiểm nghiệm thế nào ạ?"
-"Chúng tôi không thể cung cấp được", ông Đức trả lời khá ngập ngừng.
Formosa khẳng định từ đầu năm đến nay nhập khẩu 298 tấn hoá chất. Trong hai lần làm việc với Formosa, khi thì công ty này nói có sử dụng một phần cho súc rửa đường ống, khi thì nói không dùng. Thậm chí Formosa còn khẳng định không dùng hoá chất công nghiệp nhưng thực tế ít nhất tôi được biết họ dùng khá nhiều axit Hcl, để tẩy gỉ sét.
2. Giấy phép xả thải của Formosa có dẫn quy chuẩn nước thải trong sản xuất gang thép đã qua xử lý. Hầu hết các chất độc hại đều cao gấp rất nhiều lần so với quy chuẩn trong nước biển. Ngay khi tôi post giấy phép xả thải lên facebook cá nhân, đã có một cán bộ ngành môi trường nhắn cho tôi như vậy.
Ví dụ, giới hạn tối đa về hàm lượt chất độc cyanua trong nước biển ven bờ (trong đó có cả các khu nuôi trồng thuỷ hải sản) là 0,01mg/lít. Còn trong nước thải đã qua xử lý của Formosa là 0,5mg/lít, cao gấp 50 lần. Dòng nước thải này xả ra biển thì không biết sẽ để lại hậu quả gì?
3. Có vẻ như Hà Tĩnh đã buông lỏng hoàn toàn cho Formosa mặc sức làm gì thì làm bên trong tường rào ngăn cách khu đất mà họ đã được cấp phép đầu tư tới 70 năm với bên ngoài. Họ không giám sát hoạt động xả và xử lý nước thải của Formosa suốt từ tháng 12-2015 đến nay.
Đây không phải vụ việc duy nhất. Cuối tháng 3-2015, khi xảy ra sập giàn giáo làm 13 công nhân thiệt mạng, tôi chất vấn lãnh đạo Sở Lao động Thương bình và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo sở này đã phải thừa nhận suốt trong năm 2014, hoàn toàn không kiểm tra việc chấp hành về an toàn lao động đối với Formosa.
4. Theo giấy phép xả thải của Formosa, điểm tiếp nhận nước thải là biển ven bờ. Một báo cáo mà tôi đọc được cũng khẳng định, việc xả thải ra biển với đường ống dài 1,7km là đúng quy định. Nay không hiểu sao Bộ Tài nguyên và Môi trường lại phủ nhận. Chưa kể, theo báo cáo tác động môi trường năm 2008, nước thải của Formosa phải xả ra sông. Sau này chính Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận điều chỉnh báo cáo tác động môi trường cho xả ra biển. Khi cơ quan chức năng không minh bạch, hôm trước thế này, hôm sau thế khác là một sự không sòng phẳng trơ trẽn với người dân và cả với nhà đầu tư.
Chưa kể, một báo cáo mà tôi đọc được cũng có nói đến nhiều loại kim loại nặng trong nước biển cao hơn giới hạn cho phép. Hôm nay, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định điều này.
Sự minh bạch thông tin vẫn luôn là một thứ xa xỉ. Nhưng, ở câu chuyện này nó lại là phép thử của thế hệ lãnh đạo mới. Tôi vẫn chờ xem Bộ Tài nguyên môi trường sẽ xử lý ra sao?
Còn vì sao cá chết ư? Vẫn lại phải kiên nhẫn mà chờ. Mới có tròn 30 ngày thôi đấy ạ!?
Nguồn FB
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment